Hè nóng nực, chỉ muốn ăn thứ gì đó mát mát. Vậy hãy cùng trổ tài đảm đang, cùng mình vào bếp và chuẩn bị những món chè ngon, mát giải nhiệt dưới đây ngay thôi nào!!!
1. Chè đậu trắng nước cốt dừa
Nguyên liệu:
Đậu trắng loại 1: 400g (mình thích đậu nhiều còn bạn nào không khoái đậu nhiều có thể cho bớt lại)
Nếp thơm : 1 chén nếp (chén đầy nhé)
Đường: 300g (tuỳ bạn có thích ngọt hay không mà gia giảm nhé)
Lá dứa: 3 cọng, muối, mè trắng rang vàng, nước cốt dừa
Thực hiện:
Đậu mua về rửa sạch, ngâm để loại bỏ những hạt đậu hư, vớt ra để ráo.
Bắt 1 nồi nước lên bếp, cho đậu vào nấu đến khi hạt đậu mềm.
Sau khi đậu mềm cho ra nước lạnh và vớt ra để ráo.
Nồi cơm điện rửa sạch, đổ đậu vào trước, sau đó đổ nếp đã vo sạch lên trên, cho 4 chén nước lọc vào, cho thêm tí muối để đậm đà, cho thêm đường vào và sau cùng là lá dứa để lên trên. Bật nút nấu lên (giống như bạn nấu cơm vậy đó).
Thời gian đợi chè chín bạn có thể thoải mái làm những công việc khác mà không sợ nồi chè bị khét hay hạt nếp bị nhừ quá.
Sau khi nồi cơm điện đã bật sang chế độ giữ nóng thì cũng là lúc chè của chúng ta đã sẵn sàng rồi đấy.
Chè múc ra chén, cho nước cốt dừa đã thắng (nước cốt dừa cho thêm tí muối và đường đun đến sền sệt là được), cho mè trắng rang vàng lên trên. Vậy là đã sẵn sàng để bạn cùng gia đình bạn bè thưởng thức rồi nhé.
2. Chè nha đam hạt sen
Nguyên liệu:
Hạt sen: 100g, nha đam: 300g (hay có nơi gọi là lô hội đấy bạn)
Đường phèn: 100g, muối
Thực hiện:
Hạt sen mua về rửa sạch, lấy hết tim sen, hoặc nếu bạn thích cái vị đắng nhẹ của nó thì để cũng chẳng sao.
Nha đam gọt bỏ hết vỏ xanh, thái hạt lựu. Sau khi thái hạt lựu, bạn đem nha đam đi rửa sạch với ít muối, cũng không nhất thiết phải rửa sạch hết nhớt đâu nhé. Vớt ra để ráo.
Hạt sen đem nấu với 700ml nước lọc cho chín mềm, khi hạt sen chín mềm thì cho nha đam vào nấu chung. Bạn nấu với lửa nhỏ, vớt bọt nếu có để nước được trong nhé.
Cho đường vào nấu chung, đợi đến khi đường phèn tan hết thì tắt lửa.
Cho chè ra chén là có thể thưởng thức rồi.
Món chè vừa mát giúp giải nhiệt cơ thể trong những ngày nóng bức, ngoài ra còn giúp dưỡng da, hạt sen và tim sen có tác dụng giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Món này ăn nóng hay lạnh đều rất ngon.
3. Chè bưởi
Chuẩn bị nguyên liệu nấu món chè bưởi
Bưởi: 1 quả to hoặc 2 quả nhỏ, bạn nên chọn bưởi da xanh hoặc bưởi năm roi cho ngon nhé.
Đậu xanh đã xát vỏ: 250g.
Đường: 300g, muối: 4 thìa.
Nước cốt dừa: 1 hộp, sữa tươi có đường: 200ml.
Bột năng: 50g, đậu phộng rang sẵn: 100g.
Vani: 3 ống, bạn cũng có thể sử dụng hoa bưởi để thay thế nhưng vani sẽ tiện dụng hơn nhé.
Sơ chế nguyên liệu nấu món chè bưởi
Đậu xanh: Ngâm trong nước lạnh 1 tiếng, rồi vớt ra rổ để ráo, trong quá trình chờ ngâm đậu xanh bạn chuyển qua sơ chế làm cùi bưởi nhé;
Làm cùi bưởi – phần chính của món chè bưởi:
Gọt lớp vỏ xanh bên ngoài quả bưởi, giữ phần cùi trắng, bạn chỉ gọt mỏng vừa thôi nhé, nếu gọt mỏng quá thì tinh vỏ bưởi sẽ làm món chè bưởi bị đắng đấy, phần cùi trắng bạn thái hạt lựu 1cm;
Trộn đều phần cùi trắng bưởi với 2 thìa muối trong 10 phút, sau đó bóp kỹ nhưng nhẹ tay rồi xả lại bằng nước lạnh nhiều lần cho sạch muối rổi vắt ráo nước.
Tiếp đó, bạn đun sôi 1 nồi nước với 1 thìa muối, cho cùi bưởi vào luộc sơ và thực hiện việc xả kỹ với nước lạnh, vắt ráo nước như ở trên, làm như thế cùi bưởi sẽ không còn vị đắng, cay, the nữa.
Ướp cùi bưởi với 100g đường trong 2 tiếng và lăn khô cùi bưởi với 30g bột năng trong 1 tô lớn để khi hoàn thành món chè bưởi, chính lớp bột năng này sẽ giúp cho cùi bưởi có hương vị giòn giòn, dai dai rất đặc trưng đấy.
Đun sôi 1 nồi nước và thả cùi bưởi vào, đến khi cùi bưởi nổi lên phía trên hết và có màu trắng, trong (như bột lọc) thì vớt ra, cho vào tô lớn có để nước đá, chính nước đá sẽ giúp cùi bưởi cứng và giòn hơn rất nhiều. Sau khi ngâm trong nước đá 15 phút, bạn vớt ra rổ, để ráo.
Làm nước cốt dừa ăn kèm món chè bưởi: Cho 200ml sữa tươi không đường với hộp nước cốt dừa đến khi hỗn hợp sền sệt thì tắt bếp, để nguội, làm như thế nước cốt dừa sẽ béo ngậy và thơm hơn rất nhiều. Đậu phộng rang sẵn: Xa sạch vỏ, giã nhỏ.
Thực hiện nấu món chè bưởi
Cho 2,5 lít nước vào nồi đun sôi cùng với 150g đường và 250g đậu xanh, bạn có thể gia giảm lượng đường tùy theo khẩu vị nhé, đến khi nước sôi, bạn hòa 20g bột năng còn lại với 1 bát nước lạnh và cho vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy để bột năng tan đều, tiếp tục khuấy đến khi nước chè bắt đầu sánh lại;
Khi thấy đậu xanh vừa chín mềm, nở ra, bạn cho cùi bưởi đã sơ chế vào, khuấy nhẹ tay, vặn lửa nhỏ vừa, đun sôi tiếp 5 phút, cho 3 ống vani vào rồi tắt bếp. Bạn cũng có thể cho lá dứa vào đun cùng với chè để tạo mùi thơm yêu thích nhé, đến khi chè chín thì vớt lá dứa ra là đã có thể thưởng thức món chè bưởi hấp dẫn này rồi.
Cách thưởng thức món chè bưởi ngon đúng chuẩn: Với món chè này, bạn có thể ăn nóng, ăn lạnh tùy theo sở thích và thời tiết nhé:
Ăn nóng: Múc chè bưởi ra bát, cho lên bên trên mọt ít nước cốt dừa và đậu phộng giã nhỏ là có thể thưởng thức rồi.
Ăn lạnh: Múc chè bưởi ra ½ ly lớn, cho phần đá bào lên trên, tiếp đó bạn cho nước cốt dừa, đậu phộng giã nhỏ lên phía trên đá bào và ½ – 1 thìa nước cốt chanh tùy thích là có thể thưởng thức rồi
4. Chè khoai môn
Nguyên liệu:
Khoai môn: 0,5kg (nên chọn củ nhỏ, ít dẻo, nhiều bột)
Gạo nếp.: 250gr ( nên chọn loại lúa mới)
Đường: 350gr (loại vừa trắng ), muối, bột năng, nước cốt dừa 1 hộp
Lá dứa khoảng 10 lá
Cách nấu chè khoai môn:
Bước 1: Khoai môn gọt vỏ rồi rửa sạch và thái miếng vuông, ngâm trong nước khoảng 2h đồng hồ, sao đó vớt ra để ráo nước. Rồi đem hấp chín tới.
Bước 2: Cho thêm dứa, nước cốt dừa vào nồi đun sôi nhỏ lửa, rồi cho gạo nếp vào. Khi gạo nếp nở vừa thì cho nửa muỗng cà phê muối, 1 chút đường vào. Đun lửa liu riu, chú ý không đậy nắp nồi chè. Khi nồi chè sôi thì bỏ khoai vào, đảo đều và để sôi nhỏ lửa khoảng 1o đến 15p cho khoai thấm đường.
Tùy thích nấu chè ở dạng sệt như hồ hay thật đặc thì bạn chú ý khi đun chè cạn đi nhiều hoặc ít nước.
Thỉnh thoảng khuấy cho đều tay. Nồi chè sánh lại là được, quá trình chế biến cần khuấy nhẹ và đểu tay để chè không mất đi hương dịu dàng của nếp, vị ngọt thanh của khoai.Khi hoàn thành, nồi chè có màu vàng sóng sánh, hạt nếp chín nhừ, khoai môn mềm. Chỉ cần chút thời gian bạn sẽ có một nồi chè nghi ngút khói.
5. Chè khúc bạch trà xanh
Nguyên liệu:
250 ml sữa tươi không đường, 250 ml kem tươi
80g đường (tùy khẩu vị), 25g bột gelatin
1-2 thìa cà phê vani chiết xuất
1,5 thìa cà phê bột trà xanh pha với 1 thìa canh nước sôi
Hạnh nhân lát, vải (hoặc nhãn)
Nước, đường, bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Cách làm:
Làm khúc bạch vị vanilla
Bước 1: Cho một chút nước vào 3 thìa cà phê gelatin, để 5-10 phút cho gelatin nở.
Bước 2: Lót khuôn bằng màng bọc thực phẩm để tiện lấy ra.
Bước 3: Trộn chung sữa với kem tươi. Cho 250 ml hỗn hợp sữa và kem tươi, cùng với 40g đường, khuấy trên lửa nhỏ cho tan đều. Khi đường tan cho gelatin đã ngâm nở vào khuấy cho tan. Bắc xuống cho vanilla extract, để nguội bớt rồi đổ vào khuôn. Cho vào tủ lạnh đến khi đông lại.
Làm khúc bạch vị trà xanh tương tự như khúc bạch vị vani
Bước 1: Đun 250 ml sữa, kem tươi, đường cho thêm nước trà xanh, khuấy cho đều. Cho 3 thìa cà phê gelatin đã ngâm nở vào khuấy tan rồi bắc xuống để nguội đổ vào khuôn.
Bước 2: Hạnh nhân nướng trong lò ở 110-120 độ C trong 4-5 phút, khi nào nhìn thấy hạnh nhân vàng thơm là được.
Bước 3: Đun nước với đường (tùy khẩu vị) khuấy cho đường tan đều. Hòa bột sắn dây với nước rồi đổ vào nồi nước đường, đun cho đến khi nước trong trở lại, để nguội hẳn.
Chú ý: Chỉ cho ít bột sắn dây để tạo độ hơi sánh một chút và mùi thơm. Nước dùng vẫn phải loãng để ăn cùng với chè. Nước dùng phải để thật nguội trước khi bày ra ăn.
Bước 4: Khúc bạch đã đông nhấc ra, xắt miếng vừa ăn.
Bước 5: Vải bóc vỏ bỏ hạt.
Bước 6: Cho khúc bạch 2 vị vào bát, cho tiếp vải, đá viên rồi chan nước dùng, rắc chút hạnh nhân lên trên.
6. Chè chuối nước dừa
Nguyên liệu:
6-8 trái chuối tây, chọn chuối vừa chín tới không dùng chuối sống hoặc chín quá.
1/2 muỗng cà phê muối, 1/4 chén đường cát trắng
400 ml nước cốt dừa đóng hộp (hoặc tự làm theo CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
2 muỗng canh hạt trân châu nhỏ (bột báng)
Dừa bào sợi, đậu phộng rang chín, giã sơ
Các bước nấu chè chuối nước cốt dừa đúng cách thơm ngon
Chuối dùng để nấu chè nên chọn quả chuối vừa chín tới. Không nên dùng chuối chưa chín vì khi nấu chè chuối sẽ bị chát.
Lột vỏ, tước bỏ các sợi gân, thái chuối thành các khoanh tròn. Ướp vào bát chuối chút muối và đường trong vòng 15 – 20 phút.
Đậu phộng rang vàng, giã thô.
Trân châu đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh khoảng 15 phút đến khi trân châu nở, đổ ra rổ cho ráo nước.
Đổ lon nước cốt dừa ra nồi. Nếu không dùng nước cốt dừa đóng hộp bạn có thể mua dừa về bào vụn, sau đó vắt lấy nước cốt dừa.
Từ từ cho chuối vào đun cùng, để lửa nhỏ, đến khi chuối chín mềm
Cho thêm trâu châu vào đun cùng, dùng muôi đảo nhẹ tay để chuối không bị nát, đun đến khi hạt trân châu nổi màu trắng trong. Bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, tắt bếp, múc ra bát, bên trên rắc một ít lạc và dừa bào sợi, dùng nóng hay lạnh tùy thích
7. Chè nha đam đậu xanh
Chuẩn bị nguyên liệu:
1 lá nha đam, khoảng 500 gr, 200 gr đậu xanh xát vỏ
100 gr bột sắn dây hoặc bột năng, đường, ½ quả chanh
500 ml nước, dầu chuối (hoặc vani)
Cách làm:
Nha đam bỏ phần vỏ xanh, chỉ lấy phần thịt trắng bên trong, xắt hạt lựu.
Ngâm nha đam vào 1 bát nước có vắt ½ quả chanh và 1 thìa đường trong 30 phút. Sau đó bóp cho hết nhớt và rửa lại với nước sạch.
Đỗ xanh đã xát vỏ ngâm trong nước lạnh khoảng 2 giờ, vo sạch lại với nước.
Đổ nước và đậu xanh vào nồi, đun đến khi đậu xanh chín nhừ thì thêm đường vừa khẩu vị, trong quá trình đun bạn nhớ hớt bỏ bọt nhé.
Bột sắn hòa tan với 1 chút nước, cho vào nồi đậu xanh, vừa đổ vừa khuấy đều cho đều bột sắn, không bị vón cục. Cuối cùng cho nha đam vào nồi, đợi sôi lại thì tắt bếp.
Múc chè nha đam đậu xanh ra từng bát, để nguội, khi ăn có thể thêm dầu chuối và chút đá nếu bạn thích ăn lạnh.
8. Chè đậu xanh phổ tai
Chuẩn bị
300g đậu xanh nguyên vỏ: đãi sạch và ngâm qua đêm
5g phổ tai: ngâm nở nửa tiếng trước khi nấu
100g đường kính, 1/2 thìa nhỏ muối
Cách nấu
Bước 1: Nấu đậu xanh với phần nước xâm xấp. Khi đậu mềm, cho đường vào nấu nhỏ lửa để đậu thấm nước đường.
Bước 2: Khi đường đã thấm đều từng hạt đậu, cho nước vào nấu đến sôi thì tiếp tục thả phổ tai vào nấu cùng thêm khoảng 5 phút.
Món chèchỉ dùng trong ngày nên bạn nhớ bảo quản trong tủ lạnh nhé!
9. Chè thái
Nguyên liệu:
200g mít, 200g nhãn, 200g vải (tất cả đều đã được bóc vỏ, bỏ hột, lấy thịt), nếu đúng mùa các bạn dùng hoa quả tươi là ngon nhất, nếu không thì có thể dùng hoa quả đóng hộp thay thế cũng được.
2 thìa cà phê bột rau câu (agar), 600ml nước, 40g đường, chút màu đỏ thực phẩm hay màu siro dâu.
1 chén thạch dừa (chọn mua loại màu xanh), 1 lọ dừa non ngâm siro.
1 lít sữa tươi không đường, 150 – 180g đường
Cách làm:
– Nấu thạch: cho 600 ml nước vào nồi cùng với 2 thìa cà phê bột rau câu để khoảng 30 phút cho nở rồi cho lên bếp nấu với lửa nhỏ vừa, trong khi nấu chú ý thỉnh thoảng khuấy đều cho rau câu không bị vón cục và đọng dưới đáy nồi.
– Khi nồi thạch sôi lăn tăn thì cho 40g đường vào cùng với màu đỏ hoặc siro dâu, tiếp tục khuấy cho đường và rau câu tan hoàn toàn là được.
– Rót hỗn hợp vào khuôn bất kỳ, sau đó để nguội rồi bao kín cho vào tủ lạnh cho thạch đông cứng lại. Khi thạch đã đông thì lấy ra cắt miếng nhỏ.
– Nhãn, vải cắt miếng vuông nhỏ. Mít cắt sợi dài.
– Dừa non ngâm siro nếu không mua được loại bán sẵn trong lọ thì các bạn có thể tìm mua dừa non về cắt sợi nhỏ, sau đó cho đường vào cho lên bếp đun sôi cho đường tan là được, ngâm qua đêm cho dừa thấm đường. Dừa nên chọn mua loại thật non và mềm khi cho vào chè sẽ ngon hơn.
– Sữa tươi pha với 150 – 180g đường (tùy theo khẩu vị thích ngọt nhạt khác nhau) cho tan. Sau đó cho toàn bộ các nguyên liệu kể trên vào khuấy đều. Chè sau khi trộn xong đậy kín lại cho vào tủ lạnh vài tiếng hay qua đêm cho chè thật lạnh vì món chè này dùng lạnh sẽ rất ngon.
Nếu thích mùi vị dừa và sầu riêng thì các bạn có thể cho thêm vào chè nước cốt dừa và ít thịt sầu riêng.
10. Chè hạt sen long nhãn
Nguyên liệu:
Hạt sen; lá dứa (lá nếp); Đường mật.
long nhãn, bạch quả và hồng khô nhé!
Thực hiện:
Trước tiên, rửa sạch hạt sen rồi đem luộc chín. Sau đó, vớt hết hạt sen ra, thả lá dứa vào đun sôi.
Và cho luôn cả đường mật vào. Các bạn có thể băm nhỏ đường ra để đường nhanh tan hơn.
Vớt lá dứa ra, thả hạt sen vào, đun thêm khoảng 30 phút cho hạt sen ngấm đường.
khi gần tắt bếp ở bước cuối cùng, bạn thả long nhãn, hồng khô thái nhỏ và bạch quả đã làm chín vào là xong