Công thức làm dồi sụn nướng thơm ngon, siêu đơn giản tại nhà, ăn không biết chán

Dồi sụn là món nướng hấp dẫn bởi hương thơm đặc trưng và vị beo béo, sần sật bên trong, ắt hẳn bạn không thể nào bỏ lỡ khi thưởng thức cùng với bạn bè. Hãy cùng vào bếp tìm hiểu cách làm dồi sụn nướng chuẩn vị, thơm ngon và đơn giản mà ăn hoài không biết chán ra sao nhé!

Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ

Sụn heo: 30g

Mỡ heo: 100g

Thịt heo xay: 300g

Lòng non: 1 bộ.

Hành tây băm: 30g

Rau húng quế băm: 30g

Rau răm, hành lá băm: 25g

Đậu phộng rang (không vỏ): 30g

Đường: 3 muỗng canh.

Hạt nêm: 2 muỗng canh.

Nước mắm: 3 muỗng canh.

Rượu mai quế lộ: 2 muỗng canh.

Dầu điều: 1 muỗng canh.

Tiêu sọ: 2 muỗng cà phê.

Mẹo lựa chong nguyên liệu:

Nên dùng mỡ cứng (còn gọi là mỡ sa) để làm dồi sụn được ngon hơn và không bị khô phần nhân bên trong khi nướng.

Muốn chọn lòng non sao cho ngon, bạn nên lựa bộ lòng có phần đầu và cuống bé, toàn bộ ruột đều căng và tròn, có màu trắng hồng, nhất là phần chất dịch bên trong nên là màu trắng sữa.

Dùng thêm rượu mai quế lộ khi ướp dồi sụn, sẽ giúp dồi thơm và có hương vị hấp dẫn hơn. Bạn có thể tìm mua rượu mai quế lộ tại các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh hay các tiệm thuốc bắc nhé.

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế lòng non.

Bạn lộn trái lòng non, rồi tiến hành tuốt hết dịch vàng với nước và muối, bóp đi bóp lại để loại bỏ chất nhầy bên trong.

Đồng thời, nếu muốn khử bớt mùi hôi tanh của lòng non, bạn có thể rửa bằng nước cốt chanh và giấm, hoặc rượu gừng trước khi rửa sạch bằng nước nhiều lần.

Mẹo: Bạn có thể chọn lòng non hoặc lòng già để làm dồi sụn. Tuy nhiên, lòng non có lớp thành mỏng nên sẽ nhanh chín và ăn mềm hơn, trong khi lòng già có lớp thành dày nên ăn sẽ dai hơn nhưng lại có độ giòn nhất định.

Bước 2: Xắt nhỏ sụn và mỡ heo.

Sau khi rửa sụn và mỡ heo, dùng dao xắt nhỏ sụn đồng thời cắt mỡ heo thành từng miếng nhỏ. Tiếp đó, băm nhuyễn hai nguyên liệu này với nhau.
Xắt nhỏ sụn và mỡ heo.

Bước 3: Trộn nguyên liệu làm nhân dồi.

Lấy một bát lớn, trộn tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị với nhau: sụn, mỡ heo, hành tây, húng quế, rau răm, đậu phộng giã nhỏ, đường, nước mắm, hạt nêm, rượu mai quế lộ, dầu điều, tiêu sọ.

Đảo trộn và để hỗn hợp thấm đều khoảng 30 phút.

Bước 4: Nhồi dồi non.

Bạn tiến hành cột 1 đầu của bộ lòng, dùng miệng phễu nhét vào miệng lòng, rồi dùng 1 tay giữ chặt miệng phễu, còn tay kia múc hỗn hợp nhân cho vào đầu phễu. Dùng đũa, hoặc thanh hình trụ dài, nhấn hỗn hợp xuống lòng non.

Sau khi nhồi xong, dùng chỉ thực phẩm để chia và cột lòng theo từng đoạn vừa ăn.

Bước 5: Luộc dồi.

Bắt nồi nước lên bếp, cho dồi vào luộc khoảng 5 – 7 phút.

Lấy dồi ra, để nguội, cắt từng khúc rồi xiên vào que trước khi nướng.

Lưu ý:

Khi luộc, thấy bề mặt dồi chuyển sang màu đục thì lấy que xiên châm vào từng khúc dồi để cho khí bên trong lòng thoát ra, tránh để dồi sụn bị căng quá, dễ làm cho phần nhân bị bục và trôi ra khi luộc (nhất là nướng ở giai đoạn sau).

Bước 6: Nướng dồi.

Chuẩn bị bếp than hồng, đặt vỉ nướng và xếp dồi sụn lên. Khi nướng, trông thấy dồi chuyển sang màu nâu đỏ và có phần hơi cháy xém, nghĩa là ăn được rồi nhé!

Lưu ý: Bạn có thể nướng bằng lò nướng hay bếp nướng, tuy nhiên nướng than sẽ giúp thành phẩm thơm ngon hơn đấy.

Mẹo: Để miếng dồi có màu đẹp mắt hơn, khi nướng bạn quét lên dồi một chút mật ong sẽ giup miếng dồi có màu vàng ươm, mùi vị thơm ngon hấp dẫn.

Thành phẩm

Dồi dụn sau khi nướng, có màu nâu vàng, kèm theo hương thơm rất hấp dẫn. Khi cắn, bạn có thể cảm nhận được phần vỏ bên ngoài hơi giòn, cùng với phần nhân sụn sần sật, vị béo bên trong.

Thưởng thức món dồi sụn, bạn có thể ăn kèm với rau húng quế (hoặc lá mơ), chút đồ chua, rồi chấm kèm với tương ớt, thậm chí dùng thêm bún như ăn món bún thịt nướng vậy!

Thưởng thức món dồi sụn, bạn có thể ăn kèm với rau húng quế (hoặc lá mơ), chút đồ chua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *